Bách Hợp Tiểu Thuyết

Chương 1

1769 0 8 0

Đông Kinh.

Phường dệt Nghi Tàm từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm vải lụa, vải tơ tằm, chất lượng khá tương đồng với lụa nhập từ nhà Minh. Vải tơ tằm ở đây nức tiếng xa gần vì độ mềm mại và thoáng mát, màu sắc tươi tắn đẹp mắt, họa tiết tinh xảo, giá lại phải chăng. Tuy vậy, đế vương truỵ lạc bỏ bê kinh thương khiến đời sống người dân ngày càng sa sút, phường dệt tưởng chừng sắp đóng cửa tới nơi.

Phố xá chả mấy nhộn nhịp, chỉ có ông lão thuyết thư vẫn đang ngồi kể cho mọi người nghe những câu chuyện xưa tích cũ. Lão mặc một cái giao lĩnh màu lục đã phai màu, đôi chỗ chắp vá. Cái nghề thuyết thư thời Uy Mục đế đã không còn được như trước nữa. Bây giờ cái gì cũng trở nên khó khăn, làm ăn buôn bán thì ảm đạm, đâm ra cũng chẳng còn mấy thính giả đến nghe.

Lão như người đã trải qua thương hải tang điền mà giương đôi mắt đã mờ, giọng khàn khàn kể lại câu chuyện về một thời hưng vượng đã qua, cùng những dã tích chả rõ thực hư… Lão cứ như một kẻ cố chấp hoài niệm quá khứ, say sưa kể câu chuyện của một nữ quan thời Thánh Tông không được ghi chép lại trong sử sách. Có người cho rằng nàng ta là tài nữ, là nhân tài, cũng có người kêu nàng ta là kẻ có tội. Nhưng rồi ai sẽ hiểu rõ chân chính nàng ta là người như thế nào? Phàm kẻ tuấn kiệt trong thiên hạ, đến cuối cùng cũng chỉ có thể nằm trong quan tài mà nghe hậu thế bình giảng nhàn sự đời mình.

Công hay tội, làm sao một lời mà nói hết??? Trần Thủ Độ xưa kia, là công hay tội???

………………………………………………………

CHƯƠNG 1: ĂN QUỴT KHÔNG TRẢ TIỀN THÌ BÁN THÂN!!!

Mùa thu năm Hồng Đức thứ mười, Hoàng phủ.

Tiết trời Thăng Long thành vào thu đẹp đến mê người: những cành cây đầy lá vàng phủ lên con đường lát bằng đá xanh lốm đốm rêu, các lầu gác hai bên đường treo đầy những chiếc lồng đèn đỏ chuẩn bị cho trung thu sắp tới. Không khí lẩn quẩn mùi bánh, mùi cốm, mùi sen quyện vào nhau, khiến lòng người thư thái vô cùng.

Trong kinh có rất nhiều gia đình quan lại quý tộc, nhiều đến mức dân chúng Thăng Long cũng không thể nhớ rõ được nếu như người đó không quá nổi bật. Vậy mà nhắc đến phủ của Lễ bộ Thượng thư Hoàng Quân, ai ai cũng gật đầu ra chiều biết đến.

Bởi Hoàng Quân là Đông các đại học sĩ, người thầy giáo được bao lớp Nho sinh ngóng trông. Dưới tay hắn đã dưỡng ra không biết bao nhiêu hiền tài cho triều đình, đức cao vọng trọng. Hơn hết, Hoàng Từ Lan - đích nữ của Hoàng Quân lại là tài nữ nổi tiếng của cả kinh thành, được mệnh danh là 'bách bộ thành thi' làm dậy sóng Bổng Nguyệt lầu khi vừa tròn mười bốn, cầm kì thi hoạ tinh thông mười phần khiến người người đều phải gật đầu khen ngợi.

Nhưng không ai biết, Hoàng Từ Lan vốn là một người rất ưa náo nhiệt, thích đi ra ngoài. Tính tình lại hào sảng thoải mái không hề giống các cô nàng khuê các khác. Nhân lúc Hoàng đại nhân đang bận rộn họp hành với mấy ông bạn già là thượng thư bộ Lại, bộ Công để chuẩn bị yến tiệc mừng lễ Thất Tịch, Từ Lan đã giả làm nam nhân rồi trốn đi chơi.

Vốn là nàng đang ngồi ở nhà thuỷ tạ cho cá ăn và vẽ nốt bức họa ngẫu hứng, thế nhưng cái bản tính ham chơi được thúc giục bởi vô vàn điều hấp dẫn nơi kinh thành lại làm nàng không cách nào tập trung được. Trong một giây phút lơ đãng, Hoàng đại tiểu thư đã để một giọt mực rơi xuống khiến bức tranh sơn thuỷ mất nửa ngày vẽ ra hoá thành công cốc.

“Tiểu thư, người sao lại nhăn nhó rồi?” Nô tì Kim Phượng vừa mài mực vừa nhỏ giọng hỏi, nàng biết tính tình của tiểu thư nhà mình đang không tốt, không biết có phải bị nội hỏa thịnh rồi chăng “Tiểu thư, người không chịu ăn rau nên hỏa thịnh rồi phải không?” Nữ hầu này cơ bản cũng xấp xỉ tuổi của Từ Lan, lại còn thân thiết với nàng như tình chị em, nên nghĩ gì nói nấy, không hề cố kị điều gì.

Ả cũng không chắc đã dùng từ đúng chưa, chỉ nhớ hôm bữa vào dọn phòng đọc sách như nhà kho của tiểu thư có thấy cuốn sách y, tên là cái gì đó nội...ừ là cái gì nội kinh ấy nhỉ??? Viêm Đế nội kinh??? Không, là Hoàng đế nội kinh thì phải...cơ mà ông tác giả tên là Hoàng đế à? Không phải Hoàng đế là tôn xưng dùng để gọi các vị vua sao? Có gã thầy lang dám đặt tên là Hoàng đế???

“…” Từ Lan lừ mắt, cô ả này càng lớn lá gan cũng càng to lên “Ngươi đang nghĩ gì vậy? Ta chỉ là muốn ra phố đi chơi thôi” Nói tới đó, nàng quăng luôn cây bút xuống bàn, nằm dài hít hà mùi cốm sen theo gió đưa tới đầy thưởng thức “Cha ta cũng thật là, hôm nay sắp Thất tịch rồi vậy mà không cho ta ra ngoài chơi, bắt ở nhà vẽ hoa vẽ bướm! Hôm qua thêu thùa đến sưng phồng cả tay, hôm nay lại vẽ, ta có phải là tài nữ đâu!!!!” Nàng nhìn đôi tay trắng nõn thon dài của mình vẫn còn rướm máu thì đầy phẫn uất nghĩ đến cảnh hôm qua cần mẫn từ giờ Thìn đến giờ Dậu vẫn thêu không ra được con phượng hoàng, nhìn thế nào cũng giống con gà mái làm cho vị nữ quan trong Thượng công cục được cha mời tới cố nén giận mà bỏ về. Đó là lỗi của nàng ư?? Con phượng hoàng đã ai thấy nó đâu, con gà không phải dễ hơn sao???

Tài nữ Hoàng Từ Lan có một khuyết điểm rất lớn, đó chính là cầm kì thi hoạ tinh thông bao nhiêu thì đối với thêu thùa may vá lại tệ hại bấy nhiêu.

“Nô tì nghĩ lão gia chắc cũng là vì muốn tiểu thư thật giỏi nữ công gia chánh để sau này còn xuất giá, còn khiến lão gia nở mày nở mặt thôi. Người xưa chẳng phải có câu: trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng sao” Kim Phượng quăng luôn thỏi mực ra bàn, lượn một vòng trước bàn nói ra quan điểm “Tiểu thư nghĩ xem, không phải người là con gái quan Lễ bộ Thượng thư sao, tương lai chắc chắn sẽ được gả cho người quyền quý cao sang nên nhất định phải thành tài nữ! Vậy mới là xứng lứa vừa đôi chứ”

“Ta không muốn gả cho gã nào cả. Cái gì là tam tòng tứ đức kia chứ? Cứ như sợi xích quấn quanh cổ tù nhân” Từ Lan bĩu môi “Ta chỉ lấy người ta yêu thôi, giống như mẹ ta”

Từng làn gió heo may làm đong đưa mấy khóm sen trắng đang nở rộ, mấy con cá chép hoa đớp bóng nước làm cho hình ảnh phản chiếu của Từ Lan in trên mặt nước mờ đi. Nàng bỗng cảm khái “Ngươi biết Đào Uyên Minh từng nói gì không? 'Đãn thức cầm trung thú, hà lao huyền thượng thanh' Đời chỉ cầu được vui vẻ, câu nệ chi hình thức sáo rỗng? Với ta được sống như ý mình là hạnh phúc nhất. Hiện tại vui nhất chính là được đi vãn cảnh! Kim Phượng, mau chuẩn bị đồ, ta muốn ra ngoài!”

“Tiểu thư à, lão gia sẽ đánh chết nô tì và đại quản gia đó” Kim Phượng tròn mắt, biểu tình rất chi là kinh ngạc khi nghe tiểu thư muốn ra khỏi phủ. Mặt ả co rúm lại đầy thống khổ khi mường tượng đến tương lai bản thân khi lén ra khỏi phủ rồi bị lão gia phát hiện. Ả sợ sệt nghĩ đến gương mặt tái mét của lão gia, chắc là sẽ lúc trắng lúc tím lúc đỏ rồi lại đen. Chòm râu bạc của lão gia sẽ giật giật. Cái bụng dưới lớp quan bào gấm đỏ thêu tiên hạc sẽ hóp lại nhô ra với cường độ cao, kìm nén cơn thịnh nộ và cuối cùng là phun trào khi đại tiểu thư tỏ ra bất cần ương bướng. Sau đó sẽ quát mắng nàng và đại quản gia té tát vì chuyện không biết can ngăn đại tiểu thư.

Hồi bé có lần tiểu thư vì ham chơi mà đi lạc lên đỉnh núi, lão gia vừa từ buổi thượng triều về phủ đã lo sốt vó đi tìm, đến cả quan bào cũng chưa kịp thay, hô hào cả phủ mấy chục nhân mạng đi khắp nơi tìm kiếm. May sao hôm đó trời mưa, tiểu thư vào miếu Sơn Ngu trú mưa rồi nằm ngủ luôn trong ấy. Kết quả là Kim Phượng và đại quản gia bị phạt vì tội không coi sóc kĩ lưỡng, một lão gia nhân thì bị đánh đến phế cả hai chân. Tiểu thư thì bị bắt quỳ trước bàn thờ gia tiên sám hối năm canh giờ, và chép phạt một trăm lần Lễ kinh. Lần đó lão gia thật sự rất tức giận, tiểu thư khóc lóc đến sưng mắt cũng bị cứng rắn lôi đi chép phạt.

Nhưng rồi Lễ kinh thì sao chứ, tiểu thư lớn lên càng thích bay nhảy hơn, dù có chép đủ tứ thư ngũ kinh cũng chả ăn thua. Điều đó chứng tỏ trong lòng tiểu thư, Trang Tử với Đào Uyên Minh mới là bậc ông cha đáng noi gương theo, còn Khổng Tử, Mạnh Tử thì không, vì tiểu thư thích bay nhảy mà! Nếu Khổng Mạnh mà còn sống, chắc sẽ tức chết với nữ tử không hiểu tam cương ngũ thường tên mụ là Hoàng Từ Lan. Có tiểu thư nhà nào mà tính tình lại giống tiểu thư kia chứ! Thiết nghĩ nếu tiểu thư cứ mãi xem sách Trang Chu, nghiền ngẫm tư tưởng của vị tiên sinh đó như thế này, bảo đảm có ngày rồi cũng hóa thành bướm dạo chơi cửu trùng cho mà xem!!! Lão gia, chắc ngài sẽ mất đứa con gái độc nhất này thôi.

***

“Phồn hoa đô hội, nhất thành Thăng Long” Từ Lan vừa phe phẩy cây quạt xếp vừa vui vẻ ngâm thơ. Kim Phượng đứng cạnh, khẽ chỉnh lại vạt áo hơi lệch do bộ xiêm y quá khổ mượn từ chỗ đại quản gia 'vai năm thước rộng, thân mười thước cao'. Ả ai oán thì thầm vào tai Từ Lan “Mượn đồ từ chỗ đại quản gia đúng là thất sách vô cùng, sao tiểu thư không bảo Nguyên Thành đưa chúng ta vài bộ nhỏ hơn chứ?” Thuyết phục tiểu thư không ra ngoài quá khó khăn, nên nàng đành phải đi theo để trông chừng.

“Ngươi tưởng ta không muốn à? Nguyên Thành đã đi đến phủ Từ Châu làm nhiệm vụ cha ta giao phó rồi, quần áo hắn cũng tóm hết đi luôn rồi… =cơ mà quần áo của tên đại quản gia đưa đúng là rộng thật, hầy, thật là không còn gì để nói nữa mà” Từ Lan tay cầm bánh đậu xanh, tay cầm quạt gõ lên đầu ả hầu một cái.

“Tiểu… à công tử, ngài nhìn xem, bên bờ sông đang có hội ngâm thơ à?” Kim Phượng nhìn ra bờ sông Tô Lịch, thấp thoáng từ xa có vài chiếc thuyền treo đèn lồng đỏ đang chầm chậm tiến lại phía này. Bên đình các tại bờ bên kia có khoảng chục người đang ngồi uống trà ngâm thơ, thật tao nhã không kể đâu cho xiết. Văn nhân tìm tao nhã, sắc thu ở xứ Thăng Long thần kinh quả thật tao nhã không gì bằng.

Hoàng đại tiểu thư nhìn thấy cảnh này thì làm sao kiềm lòng cho đặng, đôi môi khẽ nhếch lên nụ cười nhẹ khiến đám quần thoa ở gần đó phải ngây ngẩn một phen. Từ Lan cũng không nói gì thêm, nhanh tay lẹ mắt ăn nốt viên cốm Làng Vòng, không quên tiện thể cầm theo chùm long nhãn rồi chạy ra bến thuyền. Nàng nhún người nhảy lên chiếc thuyền hoa đang lướt qua gần bờ nhất, bỏ lại nha đầu Kim Phượng đứng trên bờ nhìn theo đầy phẫn nộ “Công tử, tại sao ngài ăn được mà không trả tiền được vậy????? Công tử!!!”

Sau một hồi oán trách cùng phẫn nộ như oán phụ, Kim Phượng quay sang bà lão bán hoa quả, cười đầy áy náy: “Con xin lỗi bà nhưng con không mang tiền xâu theo...bà đợi con nửa canh giờ được không ạ” Ả bỗng nhớ da diết gã đại quản gia mặt than hay càu nhàu...không biết bà lão này có cho về nhà xin tiền đại quản gia không nữa. Nếu bà lão không chịu nhân nhượng thì thôi đành cầm cố đỡ miếng ngọc khi nãy tiện tay lấy được của tiểu thư vậy. Ai bảo tiểu thư cứ hành xử như trong phủ, thân làm nô tì hầu cận, Kim Phượng tất nhiên là phải luôn nghĩ tới những trường hợp như thế này. Ngọc bội à, xin lỗi mày!

“Ngươi cho ta biết bát tự công tử nhà ngươi là được rồi” Bà lão rất chi là thản nhiên, đến cái chớp mắt cũng không có làm cho thư đồng của Hoàng công tử nuốt luôn hột nhãn. Khụ khụ, cũng thật kinh hách quá đi mà, bà lão này không biết có phải con cháu Phùng đế Phùng Hưng không nữa, quá thẳng thắn, quá dũng cảm.

“Bà..bà ơi, bà là...muốn tái hôn ư???” Kim Phượng cũng không biết bản thân đang nói gì nữa, nàng thấy choáng váng rồi. Tiểu thư cũng thật là biết dụ hoặc, đến bà lão sắp gần đất xa trời cũng không tha nữa. Lão gia, ngài có thấy con gái ngài chưa, chắc chắn là do tiểu thư giống phu nhân rồi, chứ giống ngài - mũi trâu bụng phệ thì tiểu thư làm sao phong tình vạn chủng, dụ dỗ được cả bô lão như thế này chứ!!

Trong lúc Kim Phượng đang nghiền ngẫm suy nghĩ thì bà lão đã nói một câu làm ả tỉnh mộng luôn: “Con gái ta đến nay cũng đến tuổi cập kê rồi, ngươi cứ để công tử nhà ngươi lấy thân gán nợ là được. Nhìn công tử nhà ngươi chắc chắn là người cao sang quý phái, ta đã sống bao năm, cũng biết nhìn tướng đấy”

Ồ, lão bà quá lợi hại “Bà xem con có quý phái giống công tử không?” Kim Phượng háo hức, ả từ nhỏ đã thích mấy cái này. Đáng tiếc, đời chả bao giờ là mơ, ả bị bà lão đối diện thành thực đập tan mộng tưởng.

“Ngươi ấy à, cốt cách hèn mọn lắm. Phận nô tài thôi, ta vừa nhìn là biết, coi kĩ mà làm gì” Tâm hồn thiếu nữ bị vùi dập không chút thương tiếc.

Kim Phượng âm thầm gặm nhấm vết thương lòng, đồng thời đem câu nói của bà lão ra suy ngẫm lại một lượt. Cơ mà lão bà này đang nói gì vậy?? Đem tiểu thư gả cho con gái bà ấy gán nợ á?? Lão gia à, như vầy cũng là quá sức chịu đựng rồi đi. Tiểu thư, vì ba cái bánh cốm và một chùm long nhãn mà phải làm 'chồng người ta' thì có quá...'cưỡng cầu' không ? Thảo nào gã Nguyên Thành luôn bảo mấy con buôn gian manh giảo hoạt lắm, bà lão này cũng không phải ngọa hổ thì cũng là tàng long trong giới thương nhân cáo già.

“Sao, ngươi thấy giao dịch như thế nào?” Bà lão như con cáo già đắc ý nhìn con gà nhỏ Kim Phượng đang đổ mồ hôi hột. 

Nhìn bộ dáng cắn môi, đổ mồ hôi của Kim Phượng không ai là không nghĩ ả đang đắn đo có nên làm việc 'có lỗi' với công tử nhà mình hay chăng. Kì thực, ả ta là đang cố gắng nhớ lại bát tự của 'công tử' nhà mình cho chi tiết. Dù sao miếng ngọc đó quá quý, lại còn là vật tiên phu nhân để lại cho tiểu thư, Kim Phượng thật sự không nỡ đưa ra.

Lại thêm bát tự của tiểu thư sớm bị lão gia đưa hết cho các bà mối trong kinh thành từ khi tiểu thư tròn mười ba, ả nhìn mãi đã sớm nằm lòng. Chẳng qua dạo gần đây lão gia đâm chán nản không gửi nữa, nên ả lại quên mất tháng sinh. Thiết nghĩ, bát tự của tiểu thư từ lâu đã được xem như huyền thoại mà các bà mối truyền tai, nếu một lão bà bán hoa quả biết, chắc cũng không có gì to tát lắm. 

Phải, bà mối của cả Thăng Long thành đều nói bát tự của đích nữ phủ Lễ bộ Thượng thư đừng bao giờ động vào, vì không bao giờ mai mối thành công.

Đến mãi sau này nàng mới biết, khi ấy nàng đã vô tình đem tiểu thư nhà nàng gán nợ cho người ta suốt một kiếp dài. Đối tượng gán nợ lại là nhà mà dù có là lão gia quyền cao chức trọng cũng không dám nhăn mày một chút.

“Mẹ à, ở ngoài này có chuyện gì vậy?” Từ trên lầu một thân ảnh xanh lam chầm chậm bước xuống cầu thang, kèm theo đó là một mùi hương u lan nhè nhẹ dễ làm say lòng người quyện vào không khí. Một cô gái thanh tú, nhìn rất có phong phạm con nhà quyền quý nhìn qua Kim Phượng một lát rồi khẽ hỏi “Chẳng hay vị công tử đây là có chuyện gì khó nói?”. 

Kim Phượng nheo mắt, âm thầm đánh giá người trước mắt một chút rồi trong lòng bật thốt: Tiểu thư, lần đại kiếp này lão gia sẽ đánh gãy chân người cho mà xem, vì tội dụ dỗ con gái…à không, là ăn quỵt rồi bỏ chạy, hại đời con gái nhà người ta!

 

Bình luận

(* Hãy đăng nhập để bình luận dễ dàng hơn và sử dụng đầy đủ tính năng.)

Default User Avartar
Sắp xếp:
Danh sách chương
Chương sau
Lưu Offline
Bình luận truyện
Chế độ tối
A
Cỡ chữ
16