“Chẳng hay hôm nay Kính phi định truyền thụ kiến thức gì? Có vị điện hạ nào thay ta giải đáp được chăng?” Hoàng Từ Lan liếc nhìn chồng sách được nội quan đem đến đặt trên bàn, biết hôm nay học thanh sử nhưng vẫn điềm đạm lên tiếng. Ai đến thường xuyên, ai chẳng bao giờ đến chẳng phải qua một câu này liền lộ rõ hay sao? Nàng biết rõ Lê Lan Đường chắc chắn chẳng bao giờ đến rồi, trái ngược hoàn toàn với Thuỵ Hoa công chúa. Cái nàng muốn dò xét chính là đám người Lê Bính Hiểu!
Lê Cẩm Thương còn quá nhỏ để có thể biết cách nói dối, vậy hẳn là Thuỵ Hoa công chúa sẽ trả lời câu hỏi của nàng rồi.
“Hôm nay có buổi thanh sử bản kỷ” Quả nhiên Lê Minh Kính là người trả lời, ánh mắt nhìn Hoàng Từ Lan đầy soi xét cùng ngờ vực. Hoàng Từ Lan không phải kẻ ngốc, sao lại hỏi như vậy? Chẳng lẽ nàng ta đang muốn dò ra điều gì đó?
“Cảm tạ tam điện hạ” Hoàng Từ Lan nhẹ gật đầu, rũ mi nhìn cuốn bản kỷ bên tay trái. Bàn tay thon dài bên dưới lớp cẩm bào trắng nhẹ lướt qua mấy trang sách ố vàng rồi dừng lại ở một trang, sau đó lại hướng về những người ngồi phía dưới, giọng ôn hoà nhẹ nhàng đọc một bài thơ:
“Bách nhị sơn hà khởi chiến phong,
Huề tương tử đệ nhập Quan Trung.
Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lãnh,
Tuyết tán Hồng Môn ngọc đẩu không.
Nhất bại hữu thiên vong Trạch Tả,
Trùng lai vô địa đảo Giang Đông.
Kinh doanh ngũ tải hà thành sự?
Tiêu đắc khu khu táng Lỗ công”
Giọng nàng nhẹ nhàng nhưng có thần, tựa như tiếng phong linh lanh lảnh ở mái ngói đầu hồi, đánh sâu vào nội tâm của người đối diện.
Hoàng Từ Lan rút tay khỏi cuốn sách, gõ gõ nhịp trên mặt bàn: “Người Hoàng mỗ muốn nhắc đến, có vị điện hạ nào đoán được chăng?” Nàng đảo mắt nhìn sang Lê Lan Đường, tựa hồ như có ý muốn nói: Lê Lan Đường, ngươi nhất định phải im lặng, bây giờ còn chưa đến lúc cần ngươi lên sân tuồng đâu!
Lê Lan Đường vẫn ngồi chống tay, không có vẻ gì như muốn lên tiếng. Nàng nhích mắt nhìn Hoàng Từ Lan, nhướng nhướng mày tỏ ý: Ta không rảnh!
Lê Cẩm Thương ngồi bàn bên phải Lê Lan Đường, đương nhiên thấy được a phó của mình và cửu hoàng tỷ đang lén lút mắt qua mày lại trao đổi gì đó. Tâm tư con nít vốn đơn giản, nào biết đến những âm mưu thủ đoạn cùng toan tính ngầm kia, chỉ nghĩ mối quan hệ giữa hai người thật tốt. Con bé nghiêng người chồm qua giật giật ống tay áo của Lê Lan Đường, chu môi thì thầm: “Cửu hoàng tỷ mau đưa tay ra đi”
“....” Lê Lan Đường mặt hiện lên thắc mắc, những vẫn chìa tay ra. Nàng biết rõ con bé này đôi lúc sẽ có những suy nghĩ cùng hành động không ai có thể lí giải được nên cũng chỉ đành thuận theo.
“Sư phó vào cung từ rất sớm, chỉ kịp mua vài miếng bánh. Hoàng tỷ đừng giận sư phó, muội san sẻ với tỷ là được” Lê Cẩm Thương chu chu môi, thấp giọng nói khẽ. Bàn tay nhỏ nhắn mũm mĩm đem gói giấy nhét vào tay Lê Lan Đường, sau đó liền thẳng người trở lại, bày ra vẻ mặt nghiêm túc nghe giảng.
Lê Lan Đường nhìn gói giấy trong tay, có chút dở khóc dở cười. Như thế nào nàng lại biến thành hình tượng hồ nháo đòi Hoàng Từ Lan mua bánh cho mình rồi? Thật là.....mà thôi, dù sao vứt đi thì phí phạm, nàng cứ giữ đi vậy.
Hoàng Từ Lan đương nhiên thấy được hành động đưa quà bánh của Lê Cẩm Thương và Lê Lan Đường, cảm thấy không còn gì để nói. Lê Lan Đường đúng là dạy hư em gái rồi, vậy mà dám ở trong lớp học giấu bánh ăn vụng!
Thế nhưng bánh hạt sen nàng mua khá ngọt, Lê Lan Đường rõ ràng đâu phải người thích ăn ngọt nhỉ? Nàng ta quả nhiên diễn tuồng hay lắm!
“Các vị điện hạ đã đoán ra chưa?” Hoàng Từ Lan mới thật là người diễn tuồng xuất sắc, trong bụng phê phán Lê Lan Đường không ngừng nhưng ngoài mặt vẫn ôn hoà hỏi.
“Tây Sở Bá vương, ta nói đúng chứ?” Lê Minh Kính trả lời. Hôm qua nàng đã đọc cuốn bản kỷ này, suy nghĩ một hồi liền có thể đoán được. Hoàng Từ Lan đúng là kì tài, chỉ cần liếc mắt liền có thể đọc ra một bài thơ niêm luật chặt chẽ đến như thế! Khôi thủ Bổng Nguyệt lầu danh chấn kinh thành, quả nhiên danh bất hư truyền!
“Tam điện hạ thông tuệ, chỉ cần giây lát liền đoán ra” Hoàng Từ Lan cười cười. Cần cù bù thông minh, Lê Minh Kính cũng không tính đến nỗi là tệ. Nhưng nàng lại đang mong đợi những người khác lên tiếng, mỗi mình Lê Minh Kính thì chẳng thú vị gì cả.
“Hoàng học sĩ dùng từ cũng thật hay: ‘Nhất bại hữu thiên vong Trạch Tả/Trùng lai vô địa đảo Giang Đông’ (1) kể ra đúng lắm, nhưng đến ‘Kinh doanh ngũ tải hà thành sự?/Tiêu đắc khu khu táng Lỗ công’ (2) thì lại giống như đang chê cười Hạng Vũ là kẻ có cái dũng của hạng thất phu vậy?” Lê Lan Đường rất biết lựa thời điểm bỏ đá xuống giếng, khuấy động tràng cảnh sôi trào. Nàng biết Hoàng Từ Lan sẽ không phải tự dưng chọn đề mục Hán Sở tranh hùng, đây là cái bẫy mà nàng ta muốn lôi đám người trong Khôn Minh điện này rơi xuống.
Năm đó Hoàng Từ Lan ở Ngũ Thải Vân xưng bá đã từng cùng nàng và thất hoàng tỷ trao đổi qua tích này. Kiến giải của nàng ta độc đáo và sâu sắc, nàng đều đã được lĩnh ngộ qua. Haha, nếu Lê Triệt San bỏ qua cơ hội này, nàng sẽ thay tên đổi họ thành Trịnh Xuân Lan luôn!
“Cửu nương nói phải, Điền Hoành năm xưa là gã ấu trĩ còn chẳng tham tước của nhà Hán, hổ thẹn tự sát mà chết. Hạng Vũ đường đường là bá vương nước Sở, há có thể cam lòng nhận tước Lỗ công?” Lê Triệt San lên tiếng, quả nhiên không bỏ qua dịp vui “Nếu ta đoán không sai, Lưu Bang làm việc ấy ắt là muốn bù lại sự hổ thẹn ở Hán Trung (3) khi xưa, nghĩ rằng người chết không thể lên tiếng nên mới đem cái tước Lỗ công kia quàng lên người Hạng Vũ mà thôi” Lê Triệt San đang muốn tìm sơ hở của Hoàng Từ Lan để bắt chẹt thì Lê Lan Đường lại thay nàng lên tiếng trước, quả nhiên là trời giúp! Vốn còn nghĩ Lê Lan Đường và Hoàng Từ Lan xem như chỗ quen biết, chẳng ngờ tâm tư của nàng và Lê Lan Đường lại giống nhau!
“Ngày xưa Tần để xổng mất con hươu (4), người ta nhao nhao nổi dậy, tranh nhau mà bắt lấy cho kì được. Hạng Vũ lúc bấy giờ vì ghét người Tần mà nổi dậy, thổi cơm chiêm làm lương, tôi đòi đều là quân, hào kiệt đều là tướng. Quân đến xứ Ngô liền phá thế thủ như phá tổ kiến, lấy đất Hoài như đốt lông hồng, một trận đánh mà quân Chương Hàm phải tan, hai trận đánh mà miếu Tổ Long phải sụp. Đứng đầu chư hầu là quân nước Sở, làm chúa Tam Tần là tướng nước Sở đó thôi!” Lê Bính Hiểu cũng lên tiếng, rất biết hùa gió bẻ măng.
“Chí lý chí lý” Hoàng Từ Lan gật gật đầu, vẻ mặt bình thản vẫn muôn đời không đổi “Vậy tại sao Sở lại thua Hán?” Lê Lan Đường đúng là thấu nhân tâm đám chị gái của mình, từng bước giúp nàng dẫn họ vào cái hố bẫy đã được sắp đặt sẵn từ trước, đỡ đần cho nàng không ít công sức.
“Sở đến cuối vẫn chết dưới tay Hán, chẳng phải là do trời hay sao? Trời định giúp Hán thì dù là kẻ thổi kèn, dệt chiếu cũng đủ để thành công; khi trời định giết Sở, dù người cất vạc, nhổ núi cũng không hề nói giỏi. Phương chi Chung Ly mạnh mẽ chẳng kém Hoài Âm; Á Phụ khôn ngoan thực hơn Nhụ Tử. ‘Giang Đông tử đệ nhiều tay giỏi/Cuốn đất quay về chửa biết đâu!’ vậy há chẳng phải là hành sự tại thiên hay sao?” Lê Lan Khuê cuối cùng cũng lên tiếng. Nàng ta viện dẫn rành mạch, còn lấy cả thơ của Đỗ Mục đem ra, quả nhiên hơn hẳn hai người kia một bậc.
“Lẽ trời việc người, cũng là đầu cuối lẫn cho nhau. Bảo mệnh ở trời, Thương Trụ vì thế mà mất nước. Bảo trời sinh đức, Tân Mãng vì thế bỏ mình. Nào có thể bỏ qua việc người mà đi bàn lẽ trời như thế!” Hoàng Từ Lan cười cười, đôi mắt đen tuyền sâu không thấy đáy nhìn Lê Lan Khuê “Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ chẳng phải ở sức; thu tấm lòng thiên hạ, ở nhân chứ không phải ở bạo. Hạng Vũ lấy quát thét làm oai, lấy cương cường mà làm đức. Chém Tống Nghĩa (5) là một tướng mạnh, võ quân đến đâu! Giết Tử Anh (6) là kẻ hàng phục, bất võ quá lắm! Hàn Sinh (7) vô tội mà bị luộc, hình pháp trái lẽ thường; A Phòng vô cớ mà bị thiêu, hung uy quá tệ. Cứ thế mà suy, được lòng người chăng? Mất lòng người chăng?”
Lê Lan Đường nhìn vẻ mặt đã thoắt cái chuyển sang tím tái của Lê Lan Khuê, trong mắt loé lên ánh sáng châm chọc. Quả nhiên là rất vừa lòng đẹp ý nàng! Tuy nhiên nếu để mọi chuyện dừng tại đây thì lại nuối tiếc quá.
Vì vậy Lê Lan Đường lại lên tiếng: “Cái việc Hàm Đan, lấy một nước Triệu mới dựng, chống với nước Tần sài lang vốn là chuyện thành bại trong sát na ngắn ngủi, mất còn chỉ trong cái chớp mắt. Nghĩa thân là tướng mà lại lần khân sợ sệt, chờ giặc chùn chân mỏi gối, cứ mãi dúng dắng chùng chình, cản đường quân tiến. Chuyện ấy để lâu ắt sẽ thành cái hoạ Trường Bình thứ hai ở thành Triệu. Giết một Tống Nghĩa mà cứu được trăm vạn sinh linh thì có gì là quá!”
Đám người Lê Bính Hiểu nhìn chằm chằm vào Lê Lan Đường, mặt lộ kinh ngạc. Như được dẫn dắt, Lê Lan Khuê lại nói: “Vua các nước đều là chư hầu, vậy mà Tần lợi dụng địa thế, ngông cuồng giáp binh, mổ Hàn thịt Triệu, hiếp Nguỵ hại Yên. Nam thì lừa Sở rồi bắt mà giữ lại, đông thì dối Tề để hãm cho chết đói. Nếu không lật được Tần thì cái hờn kia sao có thể xoá? Giết một Tử Anh mà gột được thù cho sáu nước, có gì là tệ?”
Thấy Hoàng Từ Lan vẫn vân đạm phong khinh nghe mình nói, nàng tiếp tục: “Ôm bụng trung lương là tiết lớn của kẻ làm tôi, Hàn Sinh thì không thế. Hắn khoe mẽ hợm mình, vong ân bội nghĩa. Múa lưỡi để chỉ nghị quân thân, khua môi để buông lời sàm báng. Đem hắn đi làm thịt để răn dạy những kẻ bất trung khác, có gì sai? Lại nói giữ thói tiết kiệm là đức tốt của người làm vua, Thuỷ Hoàng lại không như vậy. Ông ta xây cung bên sông, mở đường ven núi, đắp nền cho cao bằng những oán hờn của dân, chứa kho cho đầy bằng những máu mỡ của dân. Đem cung A Phòng đốt đi là để các vua đời sau biết dè sẻn, có gì không tốt?”
“Thế thì sáu kinh chìm khói lửa, đốt sách Thánh nhân, thước kiếm trên sông, giết Nghĩa đế, những việc ấy há không nhẫn tâm! Sao có thể so bằng người Hán: sợ lỗi phận vua tôi thì nghe lời Đổng công làm việc nhân nghĩa, khiến nền nếp vương hầu rối rồi lại sáng; sợ thất truyền đạo học thì về đất Khúc Phụ, bày lễ thái lao, khiến dòng nguồn thi thư hầu đứt mà lại nối. Cho nên người ta có câu nói rằng: ‘Hán được thiên hạ, không ở cất dùng Tiêu, Trương, mà ở việc để trở của ba quân (8), gợi lòng trung phẫn các hào kiệt; Hán giữ thiên hạ không ở quy mô rộng lớn mà ở việc đến tế ở Khúc Phụ, mở nền nương tựa cho đời sau’ Hạng Vũ làm sao so sánh được với Lưu Bang đây lục điện hạ?”
Mặt Lê Lan Khuê từ tím chuyển sang tái nhợt, hoàn toàn câm nín. Không ngờ Hoàng Từ Lan lại có thể học rộng đến mức này!
Lê Lan Đường nhìn ba người kia mặt mày xám như tro tàn, biết là không còn gì thú vị nên bèn nói: “Người ta sống trên đời đều học theo trời đất, làm chính trị cũng không cách nào bỏ được cương thường để dựng nước. Bầy tôi của Hạng Vũ có người tên Cao (9), tiết cứng như tùng, lòng bền tựa đá, sa cơ không chịu sống nhục, liều mình để được thác mà vinh. Nếu không phải Hạng Vũ biết cách thống ngự thì làm sao có sự tử trung ấy?” Nàng đưa mắt nhìn Hoàng Từ Lan, thập phần khiêu khích “Luận Ngữ có bàn: ‘Vua khiến bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung’ Hạng Vũ tất ứng với câu đó vậy. Chứ như kẻ kia, sai Úng Sĩ giữ đất Phong thì Úng Sĩ đầu hàng, sai Trần Hy coi nước Triệu thì Trần Hy tạo phản; đạo cương thường thử hỏi ai hơn?”
Hoàng Từ Lan ngồi bên bàn nhìn Lê Lan Đường, chỉ cười không nói. Nàng bình thường đều rất ít cười theo cảm xúc, mọi khi vẫn là ý cười ôn hoà lễ độ treo trên môi, không có chút độ ấm nào.
Nhưng lần này nàng buồn cười thật. Lê Lan Đường diễn thật nhập tâm, các cô chị của nàng ta làm sao nghĩ ra nàng là đồng minh với người đang phản bác lại mình đây? Còn cả cái biểu cảm khiêu khích kia nữa, sao giống như đang nói: ‘Hoàng Từ Lan ngươi mau cam bái hạ phong đi’ vậy kìa?
“Hậu cung của Hạng Vũ có bà họ Ngu (10), mệnh nhẹ lá thu, hồn theo bóng kiếm, gửi lòng thơm ở ngọn cỏ tịch mịch, chôn hờn oán ở cánh đồng hoang vu; nếu không phải Hạng Vũ biết lẽ cư xử thì làm sao có sự tuẫn tiết ấy? Kinh Thi có câu: ‘Tề gia trị quốc’. Hạng Vũ há có thể không xứng với câu đó ư? Chứ như kẻ kia, Lã Trĩ ngông ngạo (11) mà làm việc dâm tà, Thích Cơ (12) được yêu rồi đầy thân con lợn, lẽ cương thường thử hỏi bên nào hơn? Huống chi như trái lẽ trời mà bảo sẻ chén canh (13), yêu con thứ mà coi thường gốc nước (14), luân thường cha con hỏi rằng để đâu?”
“Rất tốt, ta bị lời lẽ của Xuân Minh công chúa làm cho thuyết phục rồi” Hoàng Từ Lan bật cười thành tiếng, mắt cong cong “Cái thế anh hùng sức nhổ núi/Sở ca tứ diện lệ tràn lan’. Điện hạ nói phải không?” Lê Lan Đường, ngươi vừa lòng chưa? Mau nhìn mà xem vẻ mặt xám ngoét của ba người kia đi, đã đủ hả hê chưa?
“Hoàng học sĩ đã nói thế, tất nhiên ta cũng không có gì để bàn cãi. ‘Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi/Bên sông lập miếu cũng hoài thôi’. Nói Sở bất nhân thì Hán cũng chỉ là hạng tạp nhạp giả nhân giả nghĩa, nào đâu có cái chân thiện của bậc đế vương như Nghiêu, Thuấn? Thế đạo suy đồi, chẳng dám lạm bàn xa xôi” Lê Lan Đường vẫn ngồi chống tay lên thái dương, vẻ mặt vô cùng lười nhác “Học sĩ học sâu hiểu rộng, chỉ mấy câu liền khiến chúng ta phải bội phục” Nàng như vô tình nhấn mạnh cụm từ ‘chúng ta’, quả nhiên khiến Lê Triệt San trước nay chưa bao giờ chịu thua thiệt phải nhăn mày, bộ dạng giống đang cắn phải trái bồ hòn.
“Dạo trước có dịp thấy Hoàng học sĩ thổi tiêu, khiến ta phải cảm thán không ít. Nếu hôm nay đã có dịp như thế này, ta muốn mời học sĩ tấu một khúc cầm có được chăng?” Lê Triệt San tất nhiên không nuốt trôi trái bồ hòn này, vì vậy liền muốn đem nó nhổ ra. Nhổ ra như thế nào? Chính là dựa vào ưu thế của bản thân, ép Hoàng Từ Lan xuống hạ phong. Nàng ta thân là đương kim đệ nhất tài nữ kinh thành, nếu rớt xuống hạ phong ở ngón đàn thì đúng là vứt đi không ít thể diện.
Lê Lan Đường đưa tay xuống bàn, mở gói giấy dầu vừa nãy Lê Cẩm Thương đưa cho nàng ra. Bên trong có bốn miếng bánh hạt sen to cỡ hai ngón tay, đại để vẫn còn nguyên hình dạng. Nàng có chút buồn cười, lẽ nào mấy hôm nay Hoàng Từ Lan vào cung đều chuẩn bị đồ ngọt để dụ khị con bé Cẩm Thương ưa náo loạn này ư?
Lê Lan Đường đưa tay cầm một miếng bỏ vào miệng, hoàn toàn không màng đến đám người Lê Triệt San đang tìm cách gỡ lấy chút thể diện xa xỉ đáng thương kia. Ừm, không ngọt lắm, ăn rất được. Nếu có thêm tách trà nữa thì coi như tương xứng.
Hoàng Từ Lan đương nhiên thấy Lê Lan Đường ngồi ăn bánh trong lớp, trong bụng tiếp tục phê phán nàng ta dạy hư em gái nhưng mặt vẫn bình thản vô cùng, rất hào sảng mà đồng ý với lời đề nghị của Lê Triệt San: “Điện hạ có lời, Hoàng mỗ đương nhiên dốc hết ngón đàn mà bồi theo”
.....
Đám nội quan lát sau liền bê cầm tới. Loại tiểu nhạc này rất phổ thông trong giới tài tử giai nhân, nhất là con cái các nhà quyền quý. Tuy rằng phổ thông nhưng cầm lại thuộc vào hạng khó chơi, càng không nói đến ngón đàn xuất chúng. Đời nhà Trần có ông Nguyễn Sĩ Cố gẩy đàn cực kỳ hay, đến tận bây giờ vẫn hiếm người có thể đạt được đến khả năng như vậy.
“Cầm là thứ khó nhất trong sáu món nhạc khí định âm, mỗi điệu đều phải chỉnh dây sao cho hợp” Hoàng Từ Lan nhàn nhạt nói, tay lướt trên thất huyền khiến chúng phát ra một chuỗi thanh âm trong trẻo. Nàng cũng không hề vội vã bắt đầu, chỉ hướng về phía Lê Triệt San đưa dấu mời: “Mời điện hạ đề cầm trước”
Không phải tự dưng Hoàng Từ Lan được mệnh danh là Thăng Long đệ nhất tài nữ, bởi vì trong tất cả các môn cầm, kỳ, thi, hoạ, nàng đều rất xuất sắc. Với các loại nhạc khí nàng có một mức độ thông thạo nhất định, đặc biệt là định âm lục khí. Ngón cầm và sắt của Hoàng Từ Lan hoàn toàn không thua kém cầm cơ Bích Viên ngàn vàng khôn chuộc của Sơn Nhạc các lớn nhất kinh thành, người được Lê Tranh ngưỡng mộ khôn nguôi.
Nói cách khác, người từng thấy Hoàng Từ Lan chơi nhạc khí đều sẽ biết dùng nhạc khí để đánh bại nàng là việc ngu xuẩn đến độ nào. Lê Triệt San dĩ nhiên đã thấy Hoàng Từ Lan chơi nhạc khí, nhưng vì lúc đó là song tấu cùng Lê Lan Đường nên nàng ta đoán rằng Hoàng Từ Lan hẳn không quá thông thạo với cầm.
Và sai lầm của Lê Triệt San cũng bắt đầu từ khi đó.
Nàng ta điều chỉnh dây cầm xong liền bắt đầu tấu một khúc ‘Cao sơn lưu thuỷ’, thanh âm trong trẻo lưu loát liền mạch tựa tiếng suối chảy, đủ khiến người nghe phải tấm tắc khen hay.
Hoàng Từ Lan trong lúc đó vẫn giữ thần sắc đạm nhạt, tay gõ nhịp lên thân đàn được chạm trổ xà cừ vô cùng tinh xảo. Người khác hoàn toàn không hiểu được Hoàng Từ Lan đang làm gì, tựa hồ giống đang thưởng thức tấu khúc của Lê Triệt San nhưng thật ra lại không phải, nàng đang thử thông qua tiếng vọng để đoán được chất liệu gỗ làm nên thân đàn.
Lê Lan Đường đương nhiên thấy được động tác nhỏ nhặt này của Hoàng Từ Lan, trong lòng cười nhạt. Lê Triệt San, nói chị ngốc cũng không sai lắm đâu. Nhưng tự chị gieo gió, bây giờ gặt bão thì mới gọi là đúng nhân quả báo ứng chứ!
....
Khúc ‘Cao sơn lưu thuỷ’ đến hồi kết.
Hoàng Từ Lan cũng không kiệm lời mà khen một câu: “Điện hạ quả nhiên cầm nghệ cao siêu, chỉ một khúc ‘Cao sơn lưu thuỷ’ lại có thể hớp hồn người ta đến như vậy. Hoàng mỗ tự thấy không bằng, bái phục”
“Đến phiên của học sĩ rồi” Lê Triệt San được đối phương khen một câu liền có chút kiêu ngạo, môi nhếch thành nụ cười. Ngón đàn này nàng luyện từ năm sáu tuổi đến nay, người có thể vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Hoàng Từ Lan tuy rằng làu thông kinh sử, nhưng đối với nhạc khí chẳng lẽ cũng có thể tinh thông hết thảy hay sao? Đệ nhất tài nữ gì kia chứ? Chẳng qua là thi từ ca phú tốt nên người không biết mới gọi như vậy mà thôi!
Hoàng Từ Lan ung dung gật đầu, hai bàn tay bắt đầu lướt dọc trên thất huyền. Cây cầm lập tức hưởng ứng, phát ra một chuỗi tiếng vang như châu rơi vào mâm ngọc. Nàng vừa dạo đàn vừa nói: “Gẩy cầm, nhớ phải chú ý đến tam động là câu, án, khiêu. Có như vậy cầm và người mới có thể hợp nhất được” Nói xong liền bắt đầu gẩy vào khúc, mười ngón tay thon dài tinh tế tấu nên khúc ‘Tỳ Bà Hành’ trước đây từng viết cho Lê Lan Đường.
Mặt trời đã lên cao, nắng vàng xuyên qua trúc liêm rải lốm đốm lên người Hoàng Từ Lan. Thần sắc nàng nhàn nhã mà chuyên chú, ống tay áo viền chỉ lục nổi bật trên thân đàn đen tuyền, tất thảy đều hệt như tranh hoạ.
“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách.
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong chuốc nhớ chiều trúc ti”
Lê Lan Đường chống tay nhìn Hoàng Từ Lan, trong mắt loé lên từng tầng ánh sáng nhỏ vụn. Nàng bắt được nhịp đàn bèn ung dung hát theo, rõ ràng vô cùng quen thuộc với bản cầm này.
Hoàng Từ Lan biết Lê Lan Đường đang tiếp tục châm dầu vào lửa, liền đưa mắt nhìn lại, bắt đầu té nước theo mưa:
“Say luống cuống những khi hầu rẽ,
Nước mênh mông đậm vẻ hương trong.
Tỳ bà ai vẳng trên sông,
Chủ khuây khoả lại khách dùng dằng xuôi”
Lê Lan Đường lại tiếp:
“Tìm tiếng sẽ hỏi ai đàn tá,
Dừng tiếng đàn nấn ná làm thinh.
Dời thuyền ghé lại thăm tình
Chong đèn chuốc rượu còn dừng tiệc vui.”
Hoàng Từ Lan nhìn Lê Lan Đường đang trưng ra vẻ mặt chỉ sợ thiên hạ không loạn, cảm thấy rất buồn cười nhưng vẫn tiếp tục hát:
“Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,
Vẫn ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vận đàn mấy tiếng dạo qua,
Chưa nên khúc điệu tình đà thoảng hay.”
“Nghe não ruột mấy dây buồn bực,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Mày chau tay gảy khúc sầu,
Tỏ bày hết nỗi trước sau muôn vàn.”
Lê Lan Đường chống cằm nhìn Hoàng Từ Lan, tiếp tục hát đối. Nàng hoàn toàn bỏ qua những ánh mắt đầy kì dị của đám người Lê Triệt San, chuyên tâm nghe đàn.
Hoàng Từ Lan tay chợt chuyển, khiến tiết tấu trở nên gấp gáp hơn. Nàng lại đáp:
“Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt,
Trước Nghê Thường sau thoát Lục Yêu.
Dây to dường đổ trận rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.”
“Tiếng cao thấp, đình hanh lần gẩy,
Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh.”
Lê Lan Đường nhàn nhạt cười, hát xong đoạn cuối còn không quên châm chọc: “Hoàng học sĩ ngón cầm ngày càng tốt, Lan Đường rất ngưỡng mộ” Quả nhiên Hoàng Từ Lan có thể sáng tác từ phổ cho nhiều loại nhạc khí khác nhau, chỉ có mỗi ‘Tỳ Bà Hành’ mà đã mang phong vị khác hoàn toàn với bản dành cho đàn tỳ bà hôm trước nàng nhận được. So với khúc đàn này, ‘Cao sơn lưu thuỷ’ của Lê Triệt San chẳng qua là nhìn mèo vẽ hổ mà thôi, chẳng đáng nhắc đến.
Hôm nay đến đây, quả thật không uổng.
Nhìn đến vẻ mặt tái mét của Lê Triệt San, ý châm chọc trong mắt Lê Lan Đường lại càng hiện rõ. Lê Triệt San, không ngờ chị rồi cũng sẽ có ngày này!
______
CHÚ THÍCH
(1) Nhất bại hữu thiên vong Trạch Tả/Trùng lai vô địa đảo Giang Đông (Dịch: Thua chạy trời xui đường Trạch Tả/Quay về lấp đất nẻo Giang Đông): Hạng Vũ bị vây ở Cai Hạ, đêm phá vòng vây chạy được đến Âm Lăng. Lúc hỏi thăm đường thì bị một ông già làm ruộng đánh lừa bảo đi sang bên trái (phía tả), rồi mắc kẹt ở một cái đầm lớn (trạch) không chạy được, Vũ than là trời định làm mất ta.
Hạng Vũ lại chạy đến Ô giang, người lái đò khuyên thuyền qua sông sang Giang Đông rồi sau hẵng tính kế quay về nhưng Vũ không nghe, tự tử chết.
(2) Kinh doanh ngũ tải hà thành sự?/Tiêu đắc khu khu táng Lỗ công (Dịch: Năm năm lăn lộn hoài công cốc/Còn được vùi trong mả Lỗ công): Lỗ công tức là tước công của nước Lỗ thời Xuân Thu. Lưu Bang lấy lễ Lỗ công mà chôn cho Hạng Vũ.
(3) Hạng Vũ từng phong cho Bái công làm vương ở Ba Thục và Hán Trung.
(4) Nhà Tần để xổng mất con hươu: ý chỉ việc Tần Nhị Thế để mất nước.
(5) Sở Hoài vương sai Tống Nghĩa làm Thượng tướng quân đem quân đánh Tần, Hạng Vũ thấy y chùng chình không tiến liền vào trướng chém chết.
(6) Hạng Vũ dẫn quân vào làm cỏ đất Hàm Dương, Tần vương bấy giờ là Tử Anh đem bầy tôi ra hàng nhưng vẫn bị Vũ chém chết.
(7) Hàn Sinh khuyên Vũ đóng đô ở Quan Trung, Vũ không nghe nên Hàn Sinh tức giận liền nói vắng (nói lẫy) mấy câu. Vũ nghe được liền nổi giận, sai người cắt tiết Hàn Sinh rồi bỏ vào nồi luộc chín.
(8) Việc để trở ba quân: để trở tức là để tang. Xưa Vũ giết Nghĩa đế của nước Sở, Lưu Bang theo lời Đổng công cho ba quân cùng để tang Nghĩa đế.
(9) Người tên Cao: Ý chỉ Tào Cao. Tào Cao là Đại tư mã của nước Sở, Vũ sai giữ đất Thành Cao. Sau vì đánh nhau thua quân Hán ở trên sông Tỵ Thuỷ nên Cao đã tự tử mà chết, quyết không đầu hàng.
(10) Bà họ Ngu: Ý chỉ Ngu Cơ. Vũ lúc cùng đường ở Cai Hạ, Ngu mỹ nhân cũng tự tử chết. Tục truyền trên mộ bà mọc lên một thứ cỏ lạ, người ta gọi là cỏ Ngu mỹ nhân.
(11) Ngông ngạo: Ngông cuồng ngạo mạn
(12) Thích Cơ: Ái phi của Lưu Bang. Đến sau khi Bang mất, Thích Cơ bị Lã hậu chặt cụt chân tay ném trong nhà xí mà gọi là con lợn, trả thù việc lúc trước nàng ta được vua yêu thương.
(13) Sẻ chén canh: Vũ bắt cha của Bang đem ra chực giết làm thịt, Bang thấy vậy bèn nói: “Cha tao cũng như cha mày, nếu mày có thịt thì chia cho tao một chén nước cặn”
(14) Yêu con thứ mà coi thường gốc nước: Sau khi lên làm vua, Bang vì thương đứa con thứ là Triệu vương Như Ý mà toan truất ngôi Thái tử của con trưởng.
______
HẬU TRƯỜNG
Cơ Tử Huyên: Hai người các ngươi hay lắm, đến cơm chó cũng có thể phát công khai như thế. Ta ăn đến phát nghẹn rồi.
Hoàng Từ Lan: Không phải bà nói độc giả thích mấy cảnh tú ân ái này sao? Bây giờ được xem thì còn phàn nàn gì nữa?
Lê Lan Đường: Nếu không muốn bị nghẹn, chi bằng ban đầu đừng làm cẩu độc thân.
Cơ Tử Huyên: Đám con cái bất hiếu các ngươi!! Á á á nhồi máu cơ tim rồi, ta nhồi máu cơ tim rồi!!
______
LỜI TÁC GIẢ
Vậy là đã giữ lời với mọi người rồi đó nhé, chương này vô cùng mãn nhãn. Các tư liệu được sử dụng trong chương này đều được mẹ ghẻ trích ra từ chính sử, các chi tiết về cầm cũng đều được lấy tư liệu từ sách của cụ Lê Quý Đôn chứ không hề phịa ra tí nào đâu.
Riêng về phần bài ‘Tỳ Bà Hành’, mẹ ghẻ tác giả đã sử dụng bản chữ Nôm của cụ Phan Huy Vịnh, từ đó chuyển qua chữ quốc ngữ đưa vào đây để mọi người cùng đọc cho vui =)))))) Bởi mẹ ghẻ tác giả không thích đọc một mình :v Qua đây mình cũng mong mọi người sẽ thêm yêu chữ Nôm của dân tộc, bởi nó là kết tinh trí sáng tạo của tổ tiên người Việt ta.
Mẹ ghẻ biết sắp tới là Trung Thu nên chương này viết hẳn 5000 chữ tặng mọi người, chúc tất cả các bạn có một mùa Trung Thu vui vẻ và an toàn bên người thân. Mọi người đừng hỏi vì sao mẹ ghẻ tác giả lại chúc sớm, bởi vì đêm Trung Thu mẹ ghẻ tác giả bận đi đú đỡn đu đưa rồi :v Chưa kể đến việc ngày up chap cố định có thể sẽ không đúng ngày 15 tháng tám nữa =))))
Thôi thì chúc sớm chúc đúng ngày đều được, tâm ý mới là đáng quý đúng không nào mọi người :v Ai nhận được quà rồi nhớ comment để mẹ ghẻ tác giả biết nhé =)))) Yêu tất cả mọi người
Bình luận
Truyện liên quan
(* Hãy đăng nhập để bình luận dễ dàng hơn và sử dụng đầy đủ tính năng.)